Giáo dục tố chất cho trẻ ba mẹ cần làm những gì ?

0
113

1. Bạn hiểu “Giáo dục tố chất” nghĩa là gì?

là tạo điều kiện để con trẻ tự mình trải nghiệm cuộc sống một cách độc lập, từ đó phát huy được những tiềm năng bên trong cũng như rèn luyện cho mình những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

2. Những tố chất tích cực nào là điều thiết yếu để con cái chúng ta có một cuộc đời thành công và hạnh phúc?

* Có niềm đam mê: Trước khi giỏi về lĩnh vực gì, bạn cần có đam mê tâm huyết mãnh liệt với nó. Để giúp con nhận ra niềm đam mê của bản thân, cha mẹ hãy cho con tham gia các hoạt động, tham gia câu lạc bộ tại trường học, tổ chức tại địa phương hoặc những dự án phi chính phủ, công việc bán thời gian là cơ hội giúp trẻ tìm ra niềm đam mê cá nhân. Việc tham gia các hoạt động còn giúp trẻ xây dựng kỹ năng mềm, khả năng tự lập, làm việc nhóm. Việc có đam mê sẽ giúp bố mẹ và con có kế hoạch thực hiện hóa ước mơ của mình, đồng thời góp phần tăng khả năng thành công cao hơn cho tương lai của trẻ.

* Yêu lao động: Bạn có biết “Con người bẩm sinh đã yêu lao động”? Những kiến thức về tâm lý học cho thấy, một đứa trẻ mới chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc, 2 tuổi biết lấy giúp mẹ một số đồ vật, 3 tuổi đã có ước muốn làm việc như người lớn, 4-5 tuổi đã biết tự mình thu dọn đồ chơi, quần áo và tự rửa bát đũa cho mình. Điều đó chứng tỏ, lười biếng không phải bản tính của trẻ con, mà ngược lại đứa trẻ nào cũng thích làm việc, cha mẹ có tạo điều kiện và khuyến khích trẻ đúng cách hay không mà thôi. Hãy dạy con tự làm thay vì làm hộ trẻ.

* Có tinh thần tự chủ, độc lập: Cuộc sống là ở ngoài kia, chứ không phải trong vòng tay cha mẹ, cho nên việc rèn luyện cho trẻ có tinh thần tự chủ, độc lập là điều hết sức quan trọng. Những đứa trẻ với tinh thần tự chủ, độc lập mạnh mẽ sẽ có khả năng học tập tốt hơn, kỹ năng sống cũng phát triển tốt hơn. Trẻ sẽ biết cách tự xoay sở, hoạch định cho cuộc sống của chính bản thân mình sau này. Tuy nhiên, việc xây dựng đức tính này ở trẻ không phải là điều mà có thể làm được ngay lập tức. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn và phải trải qua một quá trình, ngày này qua ngày khác và nhất quán, bởi vì các con cần thời gian chuẩn bị để trở nên tự lập. Và cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ. Hãy đồng hành cùng con, khích lệ, động viên, giải thích cho con về các việc làm, đồng thời xây dựng một kế hoạch công việc cho trẻ như việc nhà, học tập, tự chăm sóc bản thân,… một cách khoa học và hiệu quả.

* Yêu thích vận động, thể dục thể thao: Không cần bàn cãi, vận động, thể dục thể thao mang tính thiết yếu cho sự phát triển của tất cả mọi người, kể cả trẻ nhỏ. Tích cực rèn luyện vận động và thể thao giúp bé phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí não, đem lại cảm xúc tích cực, tự tin và xây dựng lối sống lành mạnh. Việc truyền tải đam mê thể dục thể thao cho trẻ là việc làm đơn giản mà tất cả các bố mẹ đều có thể làm được vì bản chất của trẻ em luôn thích được vận động. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào việc các bố mẹ có dành đủ thời gian cho con. Hãy đưa trẻ ra ngoài, hòa nhập cùng thiên nhiên, tham gia các hoạt động thể thao như trượt patin, đá bóng, bơi lội,… Cùng chơi với con, khéo léo khuyến khích trẻ bằng cách khích lệ, khen ngợi để truyền tải đam mê này cho con. Và đặc biệt hơn hết, hãy hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử để con có thời gian tập trung cho các hoạt động thể chất.

* Lạc quan: Một trong những điều làm nên một em bé hạnh phúc chính là sự lạc quan. Việc nuôi dưỡng thái độ lạc quan từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé học hỏi thêm được rất nhiều điều tích cực. Bố mẹ hãy cùng con thực hiện những điều này mỗi ngày: Mỗi buổi tối bố mẹ có thể cùng bé kể lại điều tuyệt nhất và tệ nhất đã xảy ra trong ngày, và sau đó tập trung vào những điều tích cực để nạp thêm “năng lượng” cho ngày hôm sau. Bố mẹ cũng có thể để bé tiếp xúc với những nguồn “năng lượng lạc quan” khác từ sách vở, những câu chuyện trong cuộc sống xung quanh bé. Cho con thử điều mới như tự đi mua đồ hay để con tự xử lý tình huống khi bị bạn trêu chọc, và nhớ là luôn khích lệ mỗi khi con đạt được thành tựu dù là nhỏ.

* Có chí tiến thủ: Để kích thích chí tiến thủ của trẻ, cha mẹ cần thấu hiểu và quan tâm đến con cái, thường xuyên khẳng định sự tiến bộ và ưu điểm của trẻ. Bất kỳ một đứa trẻ nào đều có nhu cầu muốn được khẳng định, được coi trọng, được quan tâm, động viên và ủng hộ. Hãy khích lệ lòng ham hiểu biết của trẻ. Lòng ham hiểu biết là liều thuốc kích thích chí tiến thủ của trẻ. Dưới tác động của lòng ham hiểu biết, trẻ sẽ tích cực cố gắng khắc phục những hạn chế của bản thân, hoàn thành mọi việc tốt nhất bằng khả năng của mình. Giúp trẻ đặt ra mục tiêu lâu dài. Nguồn gốc chí tiến thủ mạnh mẽ của trẻ trước hết chính là sự theo đuổi mục tiêu lâu dài. Cha mẹ cần hướng dẫn con cái đặt ra những mục tiêu rõ ràng, đồng thời rèn luyện chí tiến thủ cho con.

*Có tấm lòng yêu thương: Biết yêu thương, biết chia sẻ sẽ tạo nên một đứa trẻ nhân ái. Giàu lòng nhân ái chính là nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp. Nếu không có tấm lòng nhân ái, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không chia sẻ, cho đi thì không thể làm nên việc lớn, khó hòa nhập với cộng đồng. Dạy trẻ biết nhân ái sẽ tránh được những cạm bẫy sau này, biết thông cảm và thấu hiểu, sống một cuộc đời hạnh phúc, giàu tình yêu. Hơn hết, gia đình chính là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu thương của mỗi đứa trẻ. Bố mẹ yêu thương nhau, yêu thương con cái sẽ là tấm gương để trẻ cảm nhận và học hỏi theo. Dạy trẻ yêu thương từ những hành động nhỏ nhặt nhất. Từ cách yêu thương, chăm sóc một con vật nhỏ, đến cách thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ, những người xung quanh. Hay là việc cảm nhận, tôn trọng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ xây dựng lòng trắc ẩn trong tâm hồn một đứa trẻ.

* Bộ não luôn suy nghĩ tích cực: Chỉ cần bằng những hành động đơn giản vui vẻ hàng ngày, cha mẹ có thể giúp con mình trở thành người luôn có lối sống và suy nghĩ tích cực. Dự báo mỗi buổi sáng: Tên của những người con mong chờ gặp vào hôm nay? Nói về sự biết ơn: Hỏi con rằng: “Điều gì xảy ra ngày hôm nay khiến con cảm thấy biết ơn? Khen ngợi gia đình: Một tuần một lần, nói chuyện về mỗi thành viên trong gia đình, chọn tên của một thành viên và tặng cho họ những lời tán dương đặc biệt. Thử nghiệm nụ cười: Cho con thấy nụ cười tuyệt vời thế nào, nó khiến con và người khác cảm thấy thật tốt ra sao bằng việc nói chuyện với con về những nụ cười con cho đi và nhận lại mỗi ngày. Thảo luận với con về những điều tốt đẹp và tích cực.

* Nuôi dạy một đứa trẻ là cả hành trình kỳ công. Hãy đóng góp những viên gạch đầu đời thật vững chắc để tạo nền móng cho những tố chất của trẻ vươn cao, bố mẹ nhé!

Để lại bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here